Dưới thời Tây Ngụy Vũ_Văn_Hộ

Năm 534, bất mãn trước sự cai quản của thượng trụ Cao Hoan trên vấn đề quân sự, Bắc Ngụy Hiếu Vũ Đế đã liên minh với Vũ Văn Thái và Hạ Bạt Thắng- người cai trị các châu phía nam. Khi Cao Hoan hay tin, ông ta đã hành quân tiến vào kinh đô Lạc Dương, Hiếu Vũ Đế đã quyết định chạy trốn sang vùng đất do Vũ Văn Thái cai quản, cử người đến báo tin cho Vũ Văn Thái về quyết định này. Vũ Văn Hộ nằm trong đội quân mà Vũ Văn Thái phái đi hộ tống Hiếu Vũ Đế đến đại bản doanh ở Trường An. Do có công nghênh tiếp hoàng đế, Vũ Văn Hộ được phong làm Thủy Trì huyện bá. Sang năm 534, bất chấp lời đề nghị của Cao Hoan, Hiếu Vũ Đế đã từ chối trở về Lạc Dương, vì thế Cao Hoan đã lập Nguyên Thiện Kiến làm hoàng đế, tức Hiếu Tĩnh Đế, và chuyển kinh đô đến Nghiệp thành, khiến Bắc Ngụy bị phân liệt.

Trong thời gian trị vì của Hiếu Vũ Đế và Văn Đế, Vũ Văn Hộ đã được thăng chức nhiều lần, và ông cũng đạt được một số thành tích trên chiến trường, được phong tước công. Tuy nhiên, vào 543, ông đã gần như mất mạng trong một trận chiến ở Lạc Dương, song may mắn đã được các thuộc hạ là Hầu Phục (侯伏) và Hầu Long Ân (侯龍恩) cứu giúp. Vũ Văn Thái đã bãi các chức vụ của Vũ Văn Hộ, song ngay sau đó lại phục chức cho ông. Năm 546, Vũ Văn Hộ được phong tước hiệu Trung Sơn công. Năm 549, khi Vũ Văn Thái phái tướng Vu Cẩn (于謹) và Vũ Văn Hộ đem năm vạn quân đi tấn công kinh thành Giang Lăng của Lương. Quân Tây Ngụy đã chiếm được Giang Lăng và trừ khử Lương Nguyên Đế, lập Tiêu Sát làm hoàng đế của triều Lương (mặc dù Tiêu Sát chỉ kiểm soát được khu vực Giang Lăng). Nhờ công lao này, con trai của Vũ Văn Hộ là Vũ Văn Hội (宇文會) được phong làm Giang Lăng huyện công.

Vào mùa thu năm 556, trong khi đang vi hành các châu phía bắc, Vũ Văn Thái đã lâm bệnh tại Khiên Đồn sơn (牽屯山, nay thuộc Cố Nguyên, Ninh Hạ). Vũ Văn Thái đã triệu Vũ Văn Hộ đến Khiên Đồn sơn và giao phó trọng sự quốc gia và những người con cho Vũ Văn Hộ. Vũ Văn Thái đã qua đời sau đó, Vũ Văn Giác kế thừa các chức tước của phụ thân, trong khi Vũ Văn Hộ nằm quyền kiểm soát đất nước. Các tướng và quan lại cao cấp vốn chỉ xem Vũ Văn Thái là người đồng hạng nên ban đầu họ cũng chỉ miễn cưỡng tuân theo sự lãnh đạo của một người trẻ tuổi như Vũ Văn Hộ. Khoảng tết năm 557, cho rằng Vũ Văn Giác cần khẳng định quyền lực bằng ngôi vị hoàng đế, Vũ Văn Hộ đã buộc Cung Đế phải thiện nhượng cho Vũ Văn Giác, chấm dứt triều Tây Ngụy và khởi đầu triều Bắc Chu.